Sâu răng là một bệnh phổ biến nhất hiện nay. Ở nước ta tỷ lệ sâu răng ở trẻ tuổi học đường còn khá cao. Theo điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc năm 2000 thì tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn ở trẻ từ 6 đến 8 tuổi là 25,4%. Tỷ lệ này gia tăng theo tuổi và lên tới 69% ở lứa tuổi 15 đến 17, trong đó trên 90% là không được điều trị.
Bệnh sâu răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy điều trị dự phòng sâu răng đóng vai trò rất quan trọng.Trám bít hố rãnh là một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa sâu răng sớm.
Đây là phương pháp dùng chất trám bít (nhựa composite hay glassionormer) hàn lên các hố rãnh trên mặt nhai răng hàm vĩnh viễn để ngăn ngừa sâu răng hình thành và phát triển sớm.
Răng chưa được trám bít. |
Tại sao phải trám bít hố rãnh?
Theo thống kê của nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sâu răng mặt nhai cao, chiếm tới 90% tổng số sâu răng.
Đó là do giải phẫu mặt nhai có nhiều hố rãnh nên khó được làm sạch bằng bàn chải, thức ăn đọng lại tạo điều kiện cho mảng bám vi khuẩn phát triển, hình thành sâu răng. Sâu hố rãnh phát triển nhanh và có liên quan đến độ sâu hố rãnh.
Ở trẻ em lứa tuổi 6 – 12 đã mọc răng 6 và răng 7. Đây là những răng vĩnh viễn mọc sớm, mặt nhai có nhiều hố rãnh, lại nằm ở vị trí phía sau trên cung hàm nên việc làm sạch khó khăn. Đồng thời ở giai đoạn này răng mới mọc, sự ngấm vôi của men răng chưa hoàn tất (hai năm sau sự ngấm vôi mới hoàn chỉnh). Do vậy sức đề kháng với sâu răng kém nên răng dễ bị sâu, đặc biệt ở hố rãnh. Tần suất sâu hố rãnh lớn nhất trong thời gian bốn năm sau khi răng mọc và vẫn tiếp tục xảy ra ở các năm sau đó.
Răng hàm số 6 và số 7 là những răng đóng vai trò quan trọng trong bộ răng vĩnh viễn. Do đó dự phòng sâu hố rãnh cho các răng 6, 7 có tầm quan trọng đặc biệt, giúp trẻ có được hàm răng tốt suốt đời.
Tác dụng của trám bít hố rãnh
Hố rãnh sau khi được làm sạch và trám bít lại sẽ làm mặt nhai răng hàm bằng phẳng hơn, dễ làm sạch bằng bàn chải đánh răng. Do vậy cặn thức ăn không có chỗ lưu lại, hoạt động phá hủy của vi khuẩn sẽ giảm, chính vì vậy sẽ kiểm soát và phòng ngừa được sâu răng sớm.
Sau khi răng được trám bít hố rãnh, tổn thương sâu răng sớm ở ngà sẽ dừng lại và sự hồi phục lên đến 89%.
Nếu trám bít bằng glassionormer cement thì có sự giải phóng fluor từ vật liệu hàn làm men răng cứng hơn, tăng sức đề kháng với sâu răng, tăng tái khoáng hóa men và ngà tổn thương, thay đổi thành phần vi khuẩn và các sản phẩm chuyển hóa từ mảng bám. Ngay cả khi miếng trám bong thì vẫn còn một ít vật liệu bám lại ở phần sâu của hố rãnh và vẫn còn tác dụng phòng ngừa sâu răng.
Răng đã trám bít. |
Kỹ thuật trám bít hố rãnh
Trám bít hố rãnh được thực hiện càng sớm càng tốt khi trẻ mọc răng 6 (6 tuổi), răng 7 (12 tuổi) có hố rãnh mặt nhai sâu dễ đọng thức ăn tạo điều kiện để sâu răng phát triển.
Quá trình trám bít đơn giản tiến hành nhanh chóng, không làm mất tổ chức cứng của răng, không gây đau trong suốt quá trình thực hiện và về sau. Đầu tiên là làm sạch bề mặt hố rãnh bằng chổi và bột đánh bóng, tiếp theo xử lý bề mặt răng bằng một loại dung dịch để làm tăng độ bám dính của chất trám bít và cuối cùng là đặt chất trám bít lên bề mặt hố rãnh, chất trám bít sẽ tự cứng nếu là loại hóa trùng hợp hoặc chiếu đèn halogen để cứng nếu là loại quang trùng hợp.
Trám bít hố rãnh là một trong những biện pháp phòng ngừa sâu răng hữu hiệu ở trẻ em tuổi học đường, hiệu quả cao giá thành thấp. Tuy nhiên để làm tăng tính hiệu quả của biện pháp này thì sau khi trám bít phải cho trẻ tái khám định kỳ sáu tháng một lần để phát hiện và trám lại miếng trám bị bong.